Thursday, November 12, 2015

Khu du lịch đảo Ó - Đồng Trường


Trung tâm du lịch đảo Ó - Đồng Trường tọa lạc ở thị trấn Vĩnh An, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai; cách thành phố Hồ Chí Minh 65 km và cách Biên Hòa 30 km theo đường Quốc lộ.

Đảo Ó - Đồng Trường là hai hòn đảo tách biệt nằm trên lòng hồ, cạnh nhà máy thủy điện Trị An, một hồ rộng với những hòn đảo như những viên ngọc nổi lên trên mặt nước. Hai hòn đảo nằm liền kề nhau như hai người bạn tâm giao giữa phong cảnh sông nước hữu tình.

Đảo Đồng Trường có diện tích 22 hecta và đảo Ó với diện tích 2.1 hecta, đã được đầu tư nuôi trồng các loại cây lâm nghiệp quí như: cây sao, dầu, da tỵ, ...các loại cây ăn trái, rau củ quả và nhiều loài động vật, tất cả tạo tạo thành một mảng xanh in hình trên mặt hồ nước mênh mông,

Ngoài ra, Đảo Óđảo Đồng Trường là nơi thích hợp cho du khách đến vui chơi, thư giãn và nghỉ dưỡng. Đến đảo Ó - Đồng Trường du khách có thể tổ chức cắm trại, đốt lửa trại, tổ chức và tham gia các chương trình văn nghệ: ca, múa ..., và tham gia các trò chơi trên mặt nước như: chèo thuyền, câu cá...
Trong tương lai đảo Ó - Đồng Trường sẽ là những điểm du lịch sinh thái lý tưởng với dòng sản phẩm - dịch vụ: du lịch sinh thái, cắm trại và du lịch kết hợp với an dưỡng.















Kinh nghiệm của bạn 'dzitcon' tại hoidulich.com

QUA ĐẢO:

Nếu đi tàu ra đảo (vé khứ hồi) mất khoảng 45 phút với giá 550K cho từ 1 → 5 người, nếu từ người thứ 6 thì cứ trả thêm 20K/người. Với Ca nô khoảng 30 phút với giá 650K, tương tự thêm 1 người thì cộng thêm vào 30K → 50K/người. Không tính thời gian lưu lại trên đảo (dù có ở cả đêm, vì có nhà nghỉ trên đảo)

Thuyền qua Đảo

ĂN CHƠI TRÊN ĐẢO:

Theo em nhận xét ở đây: hoang vu, không gian thoáng đãng và yên tịnh, thích hợp với Offline dã ngoại (tự túc nấu nướng ăn nhậu) - nên chuẩn bị kỹ các dụng cụ nấu nướng - đồ ăn dã ngoại.

Chúa đảo ở đây tuyên bố: "ai bắt được con heo rừng nào trên đảo là tặng luôn đem về làm quà" (đừng tưởng bở nhé, " Cực kỳ khó bắt". Bầy heo này còn khoảng 5 → 7 con gì đó).

Không muốn tự nấu ăn, có thể đặt nhà hàng nấu rồi họ dùng thuyền mang ra đảo cho mình. (tốt nhất là nên chuẩn bị kỹ lưỡng, đừng trông chờ nhiều gì vào nhà hàng ở đây)

Nhà nghỉ trên đảo



Đảo nhìn từ bên ngoài

Câu cá: được bao nhiêu, bất kể loại cá gì đều đem cân tính tiền 40K/kg, nếu thuê họ làm thì thành ra 55K hay 60K/kg gì đó (Cần câu và mồi câu khách phải tự trang bị: ở đó không có)

Tắm thì các bạn nên mang áo phao để an toàn nhé.

Nói chung trên đảo Ó không có nhiều thắng cảnh lạ lùng hấp dẫn, không có dịch vụ xa hoa gì dù là chỉ một người bán chai nước suối hay cây kem chẳng hạn. Chỉ là cây côi, hoa lá với những mảng trời xanh và sông nước vây quanh. Chúng ta đi thay đổi không khí, đổi gió, trốn cái ồn ào đô thị, cắm trại, cùng nhau nghỉ ngơi thư giãn chốn đảo hoang thanh bình này. Cùng nhau chế biến và thưởng thức một số món ăn dân dã ... Thế thôi.

Còn vui hay không thì do mình tự tạo ra trò chơi mà thôi.

GÍA CẢ DỊCH VỤ

Giá một số dịch vụ vui chơi giải trí ở đảo Ó: Nhà nghỉ qua đêm 120.000đ/phòng đôi (có quạt); ca nô 500.000đ/giờ đi được 10 người; mô tô nước 300.000đ/giờ (đi được hai người); cơm phần từ 19.000 - 25.000/phần; võng 5.000đ/chiếc (không giới hạn thời gian).

Tuesday, November 10, 2015

Thác Trị An Đồng Nai

Một số tư liệu cho biết thác Trị An xưa ở đất Biên Hòa nổi tiếng với cảnh thác hùng vĩ. Đây là thác cuối cùng trong dòng chảy của sông Đồng Nai trước khi chảy vào vùng bình nguyên miệt hạ.


Có dịp xem những bức ảnh chụp thác Trị An vào những năm đầu thế kỷ XX mới thấy được cảnh thác rộng, nước chảy cuồn cuộn. Có người từng ví von hình ảnh sống động của dòng sông Đồng Nai phía trên thác Trị An như một sơn nữ hồn nhiên, tràn đầy sức sống nhảy tung tăng qua bao ghềnh thác, thung lũng, núi đồi. Đến thác Trị An như một dấu ấn mà sông bỗng hóa thân làm người phụ nữ hiền hòa, êm dịu, lặng hòa đổ vào vùng bình nguyên mênh mông với dòng nước bao dung ôm lấy những cù lao, sông rạch nên thơ...
Thác Trị An gắn liền nhiều chuyện tích dân gian thật thú vị. Ở đó, có chàng dũng sĩ diệt thú dữ cứu dân làng, gắn với một người mở đất vùng lam sơn chướng khí, chuyện tình của đôi trai gái khác sắc tộc yêu nhau... Có lẽ, cảm động nhất là chuyện về tình yêu giữa cô gái ở thượng nguồn với chàng trai miệt hạ nguồn đầy thi vị sau những trắc trở của những luật tục ràng buộc. Chuyện kể: "... Ngược dòng Đồng Nai, chàng trai miệt hạ đã lạc vào lãnh thổ của người sơn cước thượng nguồn. Chàng trai bị bắt nhưng nhờ dũng cảm và tài năng của mình đã được dân làng cho sinh sống, trú ngụ. Tại đây, tình cảm của chàng trai và con gái của vị già làng nẩy nở. Nhớ quê, chàng tìm cách đi về khi băng qua cây cầu độc đạo và đã phải ngã xuống bởi những loạt cung tên định mệnh của xứ sở người yêu. Trước tình cảnh đó, cô gái của dân làng sơn cước đã trầm mình dưới dòng nước dữ, hóa thân thành tượng đá ngày đêm khóc cho tình yêu mãnh liệt...". Nước mắt của sơn nữ như con nước ngày đêm réo rắt giữa đại ngàn. Chàng trai và cô gái đã chết nhưng tình yêu của họ bất tử. Đây là một trong những chuyện tích mang mô típ huyền thoại đẹp đẽ của tình yêu. Và ở đây cũng mang dấu ấn cho chuyện của một thời mở cõi với những cộng đồng tộc người khai khẩn vùng đất này.
Dòng chảy Trị An trên địa bàn huyện Vĩnh Cửu được chặn dòng bắt đầu hình thành nên hồ Trị An vào thập niên 80 của thế kỷ XX để có một nhà máy thủy điện Trị An lớn nhất miền Nam Việt Nam lúc bấy giờ. Công trình thủy điện Trị An được khởi công ngày 22-2-1982. Đập hồ Trị An được xây dựng bằng đá hỗn hợp, có chiều dài 420m, chiều cao 40m, đỉnh đập rộng 10m. Phần đập tràn chịu lực bằng bê tông dài 150m, có 8 khoang tràn với mỗi khoang rộng 15m và 8 cửa van. Bên cạnh đó có đập Suối Rộp dài 2.750m, cao 45m và hệ thống đập đất phụ có chiều dài tổng cộng 6.263m.
Tham gia xây dựng thủy điện Trị An có hàng triệu lượt người ở miền Nam được huy động, tham gia trên một công trình rộng lớn kéo dài nhiều năm. Công trình thủy điện Trị An mang tầm vóc quốc tế và thắm đượm tình hữu nghị Việt Nam - Liên Xô. Một đội ngũ các chuyên gia, kỹ sư luôn bám trụ, kiên trì và đem công sức, tài trí của mình cùng đội ngũ kỹ sư, lao động người Việt Nam hoàn thành công trình. Sau 7 năm 8 tháng 10 ngày, 4 tổ máy của của nhà máy này đã hòa vào điện lưới quốc gia ngày 31-10-1989. Công trình thủy điện Trị An vừa sản xuất điện năng cho miền Nam vừa thực hiện chức năng thủy nông cho vùng miền Đông Nam bộ.

Hồ Trị An được hình thành đã trở thành nguồn tài nguyên về nhiều mặt, được khai thác phục vụ cho đời sống của người dân miền Nam. Hiện nay, với diện tích mặt nước hồ 323km2, hồ Trị An có gần 40 đảo lớn nhỏ; trong đó có một số đảo có cảnh quan thiên nhiên như: Đảo Ó, đảo Đồng Trường... đang được khai thác du lịch.

Trong quy hoạch phát triển du lịch Đồng Nai, điểm đến hồ Trị An là một trong tuyến điểm hấp dẫn với cảnh quan sinh thái, di tích của vùng rừng núi Vĩnh Cửu thuộc Chiến khu Đ xưa.

Monday, November 9, 2015

Chinh phục cung đường đèo Mã Pí Lèng huyền thoại

Nằm trên con đường Hạnh Phúc nối liền thị trấn Đồng Văn và Mèo Vạc, Mã Pí Lèng là tên gọi của cung đường đèo hiểm trở bậc nhất Việt Nam, thuộc địa phận tỉnh Hà Giang với chiều dài khoảng 20 km.


Đường Hạnh Phúc được hàng vạn thanh niên xung phong thuộc 16 dân tộc của 8 tỉnh miền Bắc Việt Nam làm trong 6 năm (1959 - 1965) với trên 2 triệu lượt ngày công lao động, trong đó riêng đoạn đèo vượt Mã Pí Lèng được các thanh niên trong đội cảm tử treo mình trên vách núi lấn từng cm để làm trong 11 tháng.



Những dãy núi đá tai mèo cao vút, hiểm trở, đâm toạc bầu trời với đủ hình thù kỳ dị, chỗ thì dựng đứng, chỗ lại xô nghiêng, chỗ xanh rì cỏ cây, nơi lại chỉ toàn một màu đá xám trần trụi.



Dốc Pải Lủng uốn lượn với nhiều cua tay áo trước khi lên đỉnh đèo Mã Pí Lèng.



Đường đèo chênh vênh giữa lưng núi, đâu đó vẫn còn những bản làng nằm vắt vẻo trên cao. Theo Đỗ Doãn Hoàng trong bài viết Kỳ tích Mã Pí Lèng, “trong lịch sử làm đường của Việt Nam, có lẽ đó là con đường thi công hoàn toàn bằng sức người gian khổ nhất; vượt qua cao nguyên cao nhất; chiếm số ngày công lao động nhiều nhất; thời gian lâu nhất; và cũng bi tráng nhất (khi con đường hoàn thành, phải có một nghĩa trang riêng để tưởng nhớ những người đã ngã xuống)”.



Đường đèo uốn khúc quanh co, dưới chân là vực sâu sông Nho Quế như xẻ đôi một bên là đỉnh Mã Pí Lèng và một bên là đường đi Săm Pun, nơi có cột mốc biên giới và cửa khẩu thông sang Trung Quốc.



Con đường đèo uốn lượn qua những vách núi, vượt qua đỉnh Mã Pí Lèng ở độ cao gần 2000 m.



Với địa thế hiểm trở và cảnh quan hoang sơ hùng vĩ, đèo Mã Pí Lèng xứng đáng là một trong “tứ đại đỉnh đèo” của vùng núi phía Bắc Việt Nam (cùng với đèo Pha Đin, đèo Ô Quy Hồ, đèo Khau Phạ).



Bạn sẽ bắt gặp nhiều người Mông đi bộ trên đường đèo, họ đi chợ Đồng Văn và về Mèo Vạc. Đôi khi có một vài người uống rượu say, ngủ hồn nhiên trên đường quên trời đất.



Cuối đường đèo, tới ngã ba Săm Pun - Mèo Vạc, nếu may mắn bạn sẽ thấy vài quán cóc ven đường trong những ngày nắng đẹp. Chiếc bàn gỗ đơn sơ, trên bày vài chai rượu cùng những chiếc bát sứt men cũ, lưa thưa dăm ba chiếc ghế gỗ. Vài người đàn ông đang ngồi phả khói thuốc một cách sảng khoái, mấy người phụ nữ và con trẻ đi bộ ngang qua ngoái đầu nhìn lại. Cuộc sống của họ ở nơi thâm sơn quỷ cốc này thật đơn giản.



Đứng trên đỉnh đèo, du khách như vỡ òa trong cảm xúc, choáng ngợp trước không gian sông núi hùng vĩ. Chặng đường chinh phục đèo hiểm trở với nhiều cung bậc cảm xúc, cảnh vật biến hóa khôn lường luôn thôi thúc ước mơ được một lần đặt chân đến của nhiều người, những kẻ đến rồi thì thèm muốn trở lại thêm nhiều lần.

Hachi8